Ở bài viết trước, mình đã chia sẻ với quý độc giả về những hành trang phụ huynh cần chuẩn bị cùng con trước khi vào lớp 6. Tiếp nối chủ đề đó, bài viết này mình sẽ hướng dẫn một số kỹ năng cần thiết con cần có để tiếp cận chương trình học ở lớp đầu cấp nhẹ nhàng hơn.
Kỹ năng tự giác học tập
Ở cấp tiểu học, học sinh được các thầy cô quan tâm và dặn dò, nhắc nhở rất nhiều về vấn đề học tập, làm bài tập ở nhà. Lên lớp 6 môi trường học tập khác hơn rất nhiều. Để học tốt đòi hỏi học sinh phải có tinh thần tự giác học tập. Thầy cô sẽ không nhắc nhở nhiều như hồi tiểu học.
Vì vậy trước khi trẻ bước vào lớp 6, trẻ cần được cha mẹ định hướng để làm quen với việc tự giác trong học tập, để con thực sự hứng khởi với việc học chứ không phải là ép buộc trẻ học theo nhu cầu của cha mẹ. Dĩ nhiên, vẫn cần có những áp lực nhất định để trẻ phát huy hết năng lực và học tập nghiêm túc. Chuẩn bị cho con việc làm quen với tự học sẽ giúp trẻ học tốt và theo kịp khối lượng kiến thức khá lớn ở lớp 6.
Mỗi con có những ưu điểm riêng và chính vì vậy sẽ có cách học tập hiệu quả khác nhau. Do đó phụ huynh khai thác, tìm hiểu thêm con phù hợp với phong cách học tập nào để có thể áp dụng cho con. Mình giới thiệu một số “kênh học tập” phổ biến sau đây:
- Nếu con học qua thị giác: nên sử dụng màu sắc, cách bố trí và tổ chức không gian trong khi học tập. Việc vẽ sơ đồ tư duy đặc biệt hữu ích cho nhóm này. Con cần highlight những điểm quan trọng, những điều quan trọng, màu sắc sẽ làm con nhớ những thông tin tốt hơn.
- Nếu con thích hoạt động thể chất: tất cả mọi thứ liên quan đến cảm giác và sự di chuyển sẽ là điều kiện tốt để con tiếp thu kiến thức. Con có thể đi vòng quanh phòng, nhà kết hợp với học bài.
- Nếu con học theo âm nhạc và âm thanh: Các bản ghi âm sẽ là công cụ hữu ích để con lĩnh hội nội dung. Con nên đọc bài thành tiếng, để có thể nghe được âm thanh của chính mình thì sẽ hiệu quả hơn. Đồng thời, có thể kết hợp mở nhạc – những bài nhạc sóng não, giúp huy động khả năng tập trung của con tốt hơn.
- Nếu con học bằng lời nói: nên tập trung vào các kỹ thuật dựa vào việc nói và viết. Tương tự như học qua thính giác, con cần tận dụng tối đa các kỹ thuật dựa trên ngôn từ như vần điệu và nhịp điệu. Phương pháp hữu ích nhất cho phong cách học này là sử dụng từ viết tắt có sử dụng chữ cái đầu tiên của từ.
Quý phụ huynh lưu ý rằng phương trình giáo dục của nước ta theo hướng “đồng tâm xoáy ốc” (tức đồng tâm, mở rộng và nâng cao dần). Nếu ở tiểu học, kiến thức các môn còn đơn giản thì khi đến lớp 6, chương trình đã được làm đầy và cao thêm, khối lượng kiến thức con cần tiếp thu cũng lớn hơn nhiều. Để việc học trở nên dễ dàng thì điều kiện tiên quyết là các con cần nắm vững kiến thức lớp 5 (vì kiến thức các lớp tiếp nối, liên tục). Do vậy, nếu con bị hỏng kiến thức, quý bậc phụ huynh nên dành thời gian hè hướng dẫn con tự ôn tập lại. Như vậy thì giai đoạn lớp 6 các con sẽ vững vàng, học dễ hơn.
Kỹ năng viết nhanh
Nếu ở lớp dưới, các con được thầy cô giáo đọc chép với tốc độ viết rất chậm thì đến lớp 6 các con học nhiều tiết, lượng bài vở phải chép cũng nhiều hơn. Chính vì vậy, để theo kịp bài giảng cũng như ghi chép nhanh những kiến thức giáo viên dạy thì các con cần rèn luyện viết tốc kí.
Kỹ năng giao tiếp và hòa nhập khi vào lớp 6
Ở lớp 5 con quen biết và chơi thân với các bạn trong lớp một cách thoải mái. Nhưng khi lên lớp 6 con sẽ tiếp xúc với môi trường mới, gặp gỡ bạn bè, thầy cô mới. Nếu con rụt rè thì rất dễ rơi vào trạng thái tâm lí cô đơn, cảm giác mọi người không yêu quý mình, ảnh hưởng rất lớn đến việc học.
Chính vì vậy phụ huynh cần rèn luyện cho con kĩ năng giao tiếp và hòa đồng với mọi người để con tự tin, không bỡ ngỡ trước những cái mới. Khi có kĩ năng này, con dễ dàng nói chuyện với bạn cùng lớp, hòa đồng với mọi người, hăng hái phát biểu ý kiến để xây dựng bài giảng.
Tự biết bảo vệ quyền lợi của mình
Có một số bậc phụ huynh thường gọi cho giáo viên chủ nhiệm chỉ để phàn nàn về điểm kiểm tra của con em mình. Chúng ta hãy tạm ngừng việc làm đó lại ngay khi các con đã vào cánh cửa trường trung học. Thay vì như thế, bạn có thể dạy cho con biết cách đối thoại với thầy cô để tự đàm phán, học cách bảo vệ quyền lợi của mình.
Chúng ta có thể bảo với con: “Mẹ biết là con đang buồn và cảm thấy bất công vì điểm bài kiểm tra (hay vì một việc nào đó đã xảy ra ở trường học), con cần là người chủ động thưa chuyện với thầy cô một cách tôn trọng và lễ phép, như vậy con sẽ hiểu vấn đề rõ ràng hơn”. Nếu con có vẻ rụt rè, hãy tiếp tục: “Con có thể làm được, con có muốn tập nói thử trước với mẹ không?”. Và bạn hãy nghe trẻ nói, chỉnh sửa cho trẻ đến khi trẻ có thể tự tin, lưu loát nói chuyện đó.
Bên cạnh, bạn cũng nên bắt đầu hướng dẫn cho trẻ biết lắng nghe người khác và hiểu rằng đôi lúc, mỗi người sẽ có một ý khác nhau (và có thể khác với cả ý của mình). Nếu mình thiếu sót, chưa hoàn chỉnh thì đó cũng là chuyện hoàn toàn bình thường. Và nếu trẻ thật sự chưa đạt được kết quả như mong đợi, bạn hãy động viên con, không sao cả vì con đã cố gắng nhiều rồi.
Mỗi bố mẹ đều quan tâm và lo lắng cho con cái của mình, sao cho tốt nhất có thể. Nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng khi bạn chăm sóc con trẻ quá kĩ, làm giúp con quá mức, sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực và làm các con mất đi cơ hội học hỏi, tự thân làm những việc quen thuộc với bản thân con mỗi ngày.
Như vậy, ngoài nền tảng kiến thức tiểu học vững chắc, các con nên được bổ sung và rèn luyện một số kỹ năng trên để bước vào năm đầu tiên Trung học cơ sở đạt kết quả tốt nhất.