Khi con chuẩn bị vào lớp 6 – đó là giai đoạn bước ngoặt với con. Có không ít bậc phụ huynh có con trong thời kì này băn khoăn về thay đổi đó. Bài viết này hướng dẫn một số “hành trang” các bậc phụ huynh cần chuẩn bị, để có thể vững vàng, tự tin đồng hành cùng con bước vào lớp học đầu tiên của cấp THCS.
Những thay đổi về tâm sinh lí khi vào lớp 6
Vấn đề nổi bật trước tiên có thể làm các con trở nên nhút nhát: Từ thế hệ “chị đại” của trường tiểu học lại trở thành “đàn em” của trường THCS. Nhìn các anh chị lớp trên cao lớn, lanh lợi, các em bỗng thấy mình bé nhỏ, lạ lẫm và nếu có lỡ bị các anh chị ấy bắt nạt thì lại càng sợ sệt hơn. Bên cạnh đó, các nội quy, quy định của nhà trường đều được thực hiện thật nghiêm túc như đi học trễ, không có phù hiệu trên áo, mang dép không có quai hậu… sẽ bị nhắc nhở, ghi tên từ khi mới bước vào cổng trường. Và tiếp đó, sẽ đến giáo viên chủ nhiệm phê bình trong tiết sinh hoạt lớp, bị trừ điểm hạnh kiểm. Những vấn đề này tuy nhỏ bé, nhưng cộng gộp lại, chúng ảnh hưởng nhất định đến khả năng hòa đồng, tự tin của con.
Hơn thế nữa, dựa theo tâm lí học lứa tuổi, giai đoạn từ 11 – 14 tuổi là độ tuổi đặc biệt và có tầm quan trọng nhất định trong thời kì phát triển của trẻ em. Đây là cột mốc chuyển từ “tuổi thơ” sang “tuổi trưởng thành” nên phụ huynh chớ vội xem nhẹ; bởi đây là giai đoạn dậy thì. Ở độ tuổi này, các con có bước nhảy vọt về thể chất lẫn tinh thần. Các con có xu hướng tự khẳng định mình nên không phải bất kì lời khuyên răn, dạy bảo nào của bố mẹ các con cũng “lọt tai”. Vì ý niệm muốn chứng minh mình là người lớn thay vì “người khác bảo sao, mình nghe vậy”.
Những mới lạ của việc dạy và cách học
Hình thức dạy học ở cấp THCS cũng chứa đựng nhiều điều mới lạ. Nếu ở chương trình tiểu học, các con được học với một giáo viên là chủ yếu thì khi đến lớp 6, mỗi môn sẽ có một giáo viên phụ trách. Đồng thời: nội dung truyền tải của mỗi môn học khác nhau, phương pháp dạy học, phong cách trình bày và giảng dạy của mỗi giáo viên cũng không giống nhau; chính vì vậy các con cần làm quen với việc thay đổi giáo viên liên tục trong buổi học. Và quan trọng hơn, cách dạy cùng nhân cách của người thầy sẽ tác động đến việc hình thành cũng như phát triển trí tuệ, nhân cách của học sinh.
Những “mới lạ” của môn học
Năm học 2021 – 2022 sắp tới sẽ là năm thứ hai nước ta áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới. Hướng tiếp mục tiêu giáo dục hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực cho các con thông qua các nội dung giáo dục ngôn ngữ và văn học, giáo dục toán học, giáo dục khoa học tự nhiên, giáo dục khoa học xã hội, giáo dục công nghệ, giáo dục tin học, giáo dục nghệ thuật và giáo dục thể chất. Lớp 6 thuộc giai đoạn giáo dục cơ bản, với phương châm giáo dục toàn diện và tích hợp, đảm bảo cung cấp cho các con tri thức nền tảng, đáp ứng nhu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở, từ đó vững vàng bước vào giai đoạn định hướng nghề nghiệp.
Môn Toán vẫn được kế thừa những kiến thức cũ đã học ở tiểu học, đồng thời các con được tiếp cận hàng loạt thuật ngữ mới như “Tập hợp”, “Lũy thừa”, “Ước, Bội”, “Tính đối xứng của hình phẳng”, …đi cùng với đó là những đơn vị tri thức phát triển thêm từ lớp dưới. Đảm bảo hình thành và phát triển cho các con những phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực toán học.
Môn Tiếng Anh bắt đầu tăng dần khối lượng từ vựng, đặt ra yêu cầu hiểu ngữ pháp và mỗi bài học đều cấu trúc đủ 4 kĩ năng: nghe, nói, đọc viết.
Môn Ngữ Văn tưởng chừng như đã quen thuộc thì ở các văn bản, bài ngữ pháp đầu tiên trong chương trình lớp 6, các con đã được giáo viên yêu cầu chuẩn bị bài trước ở nhà, soạn bài, giải thích từ, trả lời câu hỏi, tập thuyết trình, …
Môn Khoa học tự nhiên tích hợp những kiến thức vật lí, hóa học và sinh học. Các kiến thức, kĩ năng này được tổ chức theo các mạch nội dung, thể hiện nguyên lí, quy luật chung của thế giới; do vậy có những bài rất thu hút, thú vị, nhưng đôi lúc cũng không kém phần trừu tượng. Với sứ mệnh hình thành và phát triển thế giới quan khoa học ở các con, môn học này đóng vai trò chủ đạo trong giáo dục tinh thần khách quan, tình yêu thiên nhiên, tôn trọng các quy luật của tự nhiên để từ đó biết ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững xã hội và môi trường.
Tham khảo thêm khung chương trình mới của Bộ GDĐT tại đây.
Những “mới lạ” trong kiểm tra, đánh giá
Ở tiểu học, trước mỗi lần kiểm tra, thi giữa kì, cuối kì, giáo viên thường chia câu hỏi ôn tập (đặc biệt đối với các môn xã hội) cho các con ôn dần mỗi ngày 2 – 3 câu và mỗi buổi học đều dành thời gian trả bài; con nào chưa thuộc bài sẽ phải học ngay tại lớp. Khi lên lớp 6, giáo viên chỉ cho câu hỏi ôn tập, một số bài ôn tập, các con tự lên thời gian biểu, sắp xếp khung giờ tự học, không còn được nhắc nhở, kiểm tra chặt chẽ từng li từng tí như lớp dưới. Đồng thời, các con cũng có nhiều bài kiểm tra hơn (kiểm tra Miệng, 15 phút, giữa kì, cuối kì).
“Hạt giống tiêu cực” bắt đầu nảy mầm
Những cuộc đánh nhau, bạo lực học đường của học sinh ít xảy ra ở Tiểu học nhưng ở THCS thì việc này lại xảy ra nhiều hơn. Bắt đầu có hiện tượng “bè phái” trong lớp, nguy hiểm hơn là có những bè phái “ham chơi”, “lười học”. Với những con có biểu hiện dậy thì sớm, bắt đầu có dấu hiệu “yêu đương”, đến mức có các bạn lớp khác “để ý”, “tán tỉnh”.
Chạy “sô” học thêm
Nhiều bậc phụ huynh thường quan tâm đến việc học của con bằng cách cho đi học thêm. Nếu ở tiểu học, các con chỉ học 3 – 4 buổi/ tuần (chỉ ở một nơi) thì lên lớp 6 các con trung bình sẽ tốn 2 buổi/ tuần/ môn học và mỗi môn thì thường ở một nơi khác nhau. Như vậy, suốt tuần chỉ có học và học. Nên chăng học như thế các con sẽ tiến bộ, giỏi giang? Tình trạng “quá tải” do áp đặt mục tiêu từ bố mẹ đã khiến con mình chán học, ghét đến trường, biến những năm tháng tuổi học trò lẽ ra hồn nhiên, tươi vui thành chuỗi ngày căng thẳng, mệt nhoài và sợ hãi.
Và xã hội ngày càng phát triển, nhiều phụ huynh lúng túng (nếu không muốn nói là bất lực) trước thay đổi của chính con mình, không biết làm cách nào để hòa nhịp cùng con, không thể hiểu và chia sẻ cùng con khi mà khoảng cách thế hệ đang ngày càng trở thành vật cản đường. Lắng nghe con, làm bạn cùng con như một người đồng hành là điều bố mẹ cần học – trước khi bắt con mình phải giỏi cái nọ, cái kia.
Như đã phân tích ở trên, có khá nhiều “điều mới lạ”, bất ngờ, bỡ ngỡ khi con bước vào lớp 6. Chính vì thế, bố mẹ cần chuẩn bị cho con tinh thần vững vàng và tâm thế tự tin. Phụ huynh cũng nên dành thời gian hè để “làm công tác tư tưởng” cho con. Đặc biệt là chủ động hướng dẫn trước cho con các kĩ năng giao tiếp, tự học, hòa nhập với bạn bè để chuẩn bị đủ hành trang cho con vững tin bước vào lớp 6.