Kỹ năng tự học

Kỹ năng Tự học đã giúp mình trưởng thành như thế nào?

Chuyên mục

Nếu ai hỏi mình, đâu là kỹ năng của mọi kỹ năng, mình sẽ trả lời rằng đó là Tự học. Nhờ vào kỹ năng tự học, mình đã có được và thuần thục rất nhiều kỹ năng khác như tin học, lập trình, chạy bộ, bơi lội, nấu ăn…

Mình đã tự học như thế nào?

Năm 2005, nhà mình sắm bộ máy vi tính đầu tiên. Lúc đó chưa có các lớp học tin học như bây giờ. Ba mình mang về nhà vài cuốn sách tin học, là những tập giấy photo, ảnh chụp màn hình, những đoạn hướng dẫn… Và mình đã bắt đầu học tin học như vậy. Lúc đó còn nhỏ, mình học nhanh, nên sau này mình quay lại chỉ ba mẹ mình sử dụng. Đến bây giờ, mỗi lần đồng nghiệp trong công ty gặp vấn đề gì, mình đều tự tin giúp đỡ được. Và mình còn tiếp tục tự học lập trình, để tự làm được chính website mà bạn đang xem này.

Năm 2018, sếp rủ mình tham gia Iron Man, là cuộc thi 3 môn phối hợp (Bơi 2KM, Đạp xe 90KM và chạy 21KM). Lúc đó mình đã chạy được 21KM rồi, nhưng bơi thì thua. Thế là từ đó, cứ mỗi buổi sáng 3-5-7, đúng 6h30, mình có mặt tại hồ bơi. Mình đã xem các video thầy dạy trên YouTube, sau đó tự tập nổi, đánh tay, đá chân, lấy hơi… Sau 3 tháng chăm chỉ, cuối cùng mình đã tập bơi sải thành công, bơi liên tục được 1KM. Và cứ thế tiến lên mốc 2KM. Cũng như khoác lên mình bộ da đen thui nhờ clo trong hồ bơi.

Vài dòng trên chỉ là 2 ví dụ tiêu biểu mà mình luôn nhớ, ngoài ra, còn nhiều nhiều những thứ khác mình đã tự học thành công nhờ vào việc nhận ra những lợi ích và phương pháp tự học hiệu quả. Mình sẽ chia sẻ cho bạn ngay dưới đây.

Lợi ích của tự học

Bạn có bao giờ thất vọng vì học trước quên sau, mới nghe thầy cô giáo giảng, về đến nhà thì quên mất tiêu không? Thường thôi, vì theo nghiên cứu, sau 24 giờ thì chúng ta quên đi mất đến 95% những gì chúng ta vừa học nếu chỉ ngồi nghe giảng trên lớp (Nguồn: The Learning Pyramid). Thế còn tự học thì sao? Sau 24 giờ thì bạn có thể giữ lại từ 75% – 90% kiến thức, vì tự học chính là quá trình bạn đọc, tìm kiếm thông tin, tự thực hành, nghiên cứu… Tự học chính là một phương pháp học chủ động (Active Learning) giúp người học tối đa khả năng ghi nhớ kiến thức và áp dụng vào thực tế tốt hơn.

Bao nhiêu năm mài quần trên ghế nhà trường, chắc bạn cũng hiểu được rằng, mỗi người có tốc độ tiếp thu kiến thức khác nhau, cũng như mỗi người thích hợp với mỗi phương pháp học khác nhau. Có người hiệu quả với ghi chép, có người hợp với sơ đồ tư duy (mind map), có người thì phải làm bài tập thực hành nhiều lần… Bởi vì chúng ta là những cá thể rất khác nhau về cơ thể, não bộ, môi trường sống… lẽ dĩ nhiên, nếu chúng ta chọn được phương pháp phù hợp với mình nhất thì sẽ tối đa hiệu suất học tập nhất. Đó cũng chính là lợi ích của việc tự học, khi chúng ta có thể tự quyết định được lộ trình học (chọn bài giảng, khối lượng kiến thức, đơn vị bài học…), phương pháp học (nghe – ghi chép, thực hành, mind map, stick note…) cũng như thời gian học (sáng, tối, sắp xếp theo công việc…). Mọi thứ đều phù hợp cho riêng bạn, hiệu quả đối với bạn hơn.

Sau bao nhiêu năm đi học, đi làm, lăn lộn trong cuộc sống, mình có thể tự tin khẳng định rằng, hầu hết mọi việc mình đều học để thuần thục được miễn là mình chịu cố gắng. Đó chính là một lợi ích to lớn của tự học. Từ nhỏ, nó đã giúp mình rèn giũa khả năng độc lập – tự chủ, xây dựng lòng tự tin. Trong xã hội xô bồ hiện đại, khi lòng tin giữa người với người có thể là thứ xa xỉ, thì chỉ cần ta có lòng tin ở chính bản thân chúng ta đã là một nửa thành công rồi.

Chủ động tìm kiếm thông tin và giải pháp

Một lợi ích to lớn cuối cùng mà mình muốn nói đến, đó là nó khuyến khích trí tò mò, sự chủ động tìm kiếm thông tin, và quan trọng hơn hết đó là tăng năng lực giải quyết vấn đề (problem solving). Đây là vấn đề mà lứa trẻ cuối 9x, đầu 2k hiện nay đang thiếu hụt. Tạm không nói đến nguyên nhân do các bạn được sinh ra trong nền kinh tế đang phát triển, phụ huynh quan tâm và lo lắng không để cho các bạn thiếu thốn gì. Thì nguyên nhân quan trọng không kém xuất phát từ việc lười tìm kiếm thông tin và các giải pháp để giải quyết vấn đề. Với việc tự học, bạn chính là đang tự lăn vào bếp và nấu ăn, thay vì chờ bố mẹ dọn sẵn đồ ăn ra cho bạn ung dung nhấm nháp.

Tự học như thế nào?

Để tự học thành công, điều tiên quyết là cần tìm được nguồn học liệu chất lượng. Đây là vấn đề rất nan giải khi bạn đã không biết gì, còn trên internet thì là một bãi rác, việc tìm học liệu như đãi cát tìm vàng. Nếu bạn đã ở tầm “cao thủ tìm kiếm thông tin” sẽ không khó để tìm được vàng. Nhưng, với đa số mọi người, hãy tham khảo ý kiến từ những người có chuyên môn trong lĩnh vực đó (nếu ở trường là các thầy cô). Hoặc ít nhất là mua sách, mua sách thì đỡ loạn hơn trên mạng, vì để một quyển sách được xuất bản ra thị trường thì đã phải trải qua rất nhiều khâu sàng lọc, đánh giá. Nguồn học liệu đáng quý tiếp theo đó là những video học trực tuyến, rất trực quan, sinh động. Tuy nhiên, cần chú ý chọn những khóa học trực tuyến từ những người giảng dạy đáng tin cậy (giáo viên chuyên môn cao, người có kinh nghiệm bài bản, người được chứng nhận đào tạo). Việc tìm kiếm học liệu cần hết sức cẩn trọng, tránh đặt lòng tin vào những “chuyên gia tự xưng”, “bậc thầy đa cấp”… tổ phí hoài thời gian, mà còn học nhầm điều sai trái.

Tiếp theo, đó là chọn phương pháp học phù hợp với bản thân bạn. Lời khuyên của mình là nên thử một vài phương pháp khác nhau, trong thời gian đủ lâu (khoảng 1 – 2 tháng). Sau đó, tự ghi nhận và đánh giá hiệu quả của từng phương pháp, sau đó chọn một phương pháp để theo lâu dài. Lưu ý, tùy vào kỹ năng, bộ môn bạn đang học, mà phương pháp có thể thay đổi theo hướng phù hợp với bản chất của môn học, sau đó là phù hợp với bản thân người học.

Hầu hết những người tự học đều đang phải chiến đấu để giữ sự Quyết tâm và Cam kết với chính bản thân mình. Không giữ được hai yếu tố này, mọi công sức của bạn dễ dàng đổ sông đổ bể. Trong đó, 21 ngày đầu tiên là quan trọng nhất. Cột mốc 21 ngày chính là thời gian cần để hình thành một thói quen. Bản thân mình khi tự học bơi, dù trời mưa hay nắng, dù trong người đang mệt hay khỏe, mình vẫn đều đặn ra hồ bơi, nhảy ùm xuống và bơi ít nhất 70% mục tiêu đề ra thì mới về. Hay như trong chuyện chạy bộ 21KM cũng vậy, cần rất nhiều sức mạnh ý chí để kéo cái thân xác rã rời của mình suốt chặng đường dài dằng dặc ấy.

Góp phần tăng hiệu quả của việc tự học, chúng ta cũng cần trang bị đủ đồ nghề. Với mình, đó là một góc làm việc, với bàn ghế tiêu chuẩn để ngồi lâu không mỏi, ánh sáng đầy đủ cho mắt. Quan trọng là máy tính để tìm kiếm thông tin, xem học liệu, tính toán, chạy mô hình. Cuối cùng là sổ và bút viết. Dù ngày nay, nhiều người có xu hướng chuyển sang ghi chú trên iPad hay tương tự. Nhưng với mình, cuốn sổ và cây bút vẫn là những thứ hiệu quả nhất. Mình thích cảm giác cầm bút, viết lên giấy, và nhìn những dòng chữ nguệch ngoạc của mình trên đó.

Một góc làm việc nhỏ của mình, cơ bản là phải gọn gàng sạch sẽ, mới có tâm thế tốt

Điều cuối cùng để chắc chắn mình tự học đúng hướng, đó là hãy luôn tham khảo ý kiến của người có chuyên môn khi cần thiết, đừng ngại. Họ có thể là bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp, sếp… bất cứ ai mà bạn cảm thấy tin tưởng về chuyên môn của họ trong lĩnh vực đó. Mình tin rằng, họ cũng luôn sẵn lòng giúp bạn, miễn là bạn chịu hỏi, chịu tiếp thu.

Tại sao nên rèn luyện tự học từ sớm?

Từ hồi lớp 3, bố mẹ mình đã đóng cho mình một chiếc bàn gỗ để tự ngồi học. Ngót 20 mấy năm rồi chiếc bàn ấy vẫn còn trong phòng mình. Nhờ việc được bố mẹ rèn luyện khả năng tự học từ nhỏ xíu, mình đã có được niềm đam mê với việc học hỏi, tìm tòi mà chẳng cần một ai ép buộc mình. Mình tự học, tự cải thiện để trở thành bản thể tốt nhất của chính mình. Điều đó hẳn cũng đóng góp không nhỏ vào chặng đường học tập cho đến khi mình tốt nghiệp trường đại học, tìm được công việc yêu thích, có được mức thu nhập tốt, tìm được người bạn đời phù hợp.

Cùng với tự học, những thói quen như chủ động, quyết tâm, trách nhiệm… cũng tìm đến với mình. Bốn điều này giống như một nhóm bạn thân thiết, trong một mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Quyết tâm và Trách nhiệm giúp duy trì Tự học. Tự học giúp tôi luyện Quyết tâm và hình thành Trách nhiệm. Tự học còn đặt ra nhu cầu tạo nên Chủ động. Chủ động quay lại giúp Tự học tìm được cái nó cần.

Sở dĩ mình nói được câu “hầu hết mọi việc mình đều học để thuần thục được” là nhờ Tự học. Qua bao nhiêu năm, nó đã giúp mình tạo nên sự tự tin cần thiết. Nhờ vào những “thành công nhỏ” (quick wins). Tuổi nhỏ, làm việc nhỏ, có được những thành công nhỏ. Theo thời gian, sẽ tạo nên một đứa trẻ tự tin, một người trưởng thành có bản lĩnh, luôn nỗ lực đương đầu với mọi khó khăn mà cuộc sống trao cho họ. Những điều nghe đao to búa lớn này thực ra được tạo nên từ những viên gạch nhỏ xíu như là Tự học. Mà nếu một đứa trẻ không có được, cả đoạn đường về sau nó sẽ rất khác, mà nhiều khi các bậc gia mẹ chỉ có ước muốn cho thời gian trở lại.

Điều cuối cùng mình muốn nhắn nhủ, hành trình tự học, cũng chính là hành trình tự khám phá bản thân của chính mình. Nó giúp mình sớm hiểu rõ bản thân mình, từ đó, mình lựa chọn được sự học phù hợp, việc làm phù hợp. Đó cũng chính là một trong những nhân tố khiến mình hài lòng và cảm thấy hạnh phúc. Ngẫm lại, mình thầm cảm ơn “chiếc bàn gỗ nhỏ” bố mẹ mình đã trao cho mình năm xưa.

Còn bạn, bạn sẽ lựa chọn trao cho con mình điều gì?