Kỹ năng Tập trung – Rèn luyện như thế nào để sở hữu nó?

Chuyên mục

Đã bao lần bạn đang ngồi trước bàn làm việc mà tâm trí cứ lãng đãng trôi nhẹ như mây? Bạn đang phải sống ở môi trường ồn ào và nhiều phiền nhiễu khiến bạn bị phân tán? Dẫu bạn biết tập trung là một kỹ năng cần thiết trong học tập và công việc, nhưng bạn vẫn không biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào?

Cùng một khối lượng công việc, nếu chúng mình tập trung cao độ thì sẽ hoàn thành được công việc theo thời gian đã định. Kinh nghiệm từ quá trình dạy và làm việc với nhiều đối tượng người học ở các độ tuổi khác nhau, mình chia sẻ đến các bạn những tips có thể áp dụng để nâng cao khả năng tập trung của bản thân.

Thay đổi tư duy về kỹ năng tập trung

Chắc hẳn đối với các bạn đã theo dõi bài viết trước của mình, thì bước đầu tiên mà mình thường hay nhắc đến và xem nó như kim chỉ nam cho tất cả mọi bước trước khi rèn luyện một kỹ năng nào đó chính là tư duy. Bởi cách chúng ta tư duy sẽ quyết định đến hành động, ứng xử của chính mình.

Có một sự thật hiển nhiên mà chúng mình thường hay chối bỏ đó là: “Để tập trung vào một việc, mặc định là mình phải bỏ qua rất nhiều việc khác”. Chúng ta chỉ tập trung khi bản thân “say YES” với một điều gì đó và “say NO” với tất cả các vấn đề còn lại. Nói chính xác hơn, loại bỏ những thứ không quan trọng là vấn đề tiên quyết để tập trung.

Trong một khoảnh khắc nhất định, mình buộc phải nói KHÔNG với các việc chi phối bạn, làm bạn phân tâm. Và bạn sẽ làm việc cho vào “danh sách chờ” ấy sau khi bản thân đã hoàn thành việc mà bạn cho là tối quan trọng, nên được ưu tiên hoàn thành ngay lúc này.

May mắn thay, tập trung là kỹ năng có thể học được, có thể luyện tập và duy trì.

Bây giờ, mình sẽ tiếp tục với những kỹ thuật cụ thể nhé!

Tạo chu trình tập trung phù hợp

Trước tiên, chúng mình cần đánh giá lại bản thân xem thời gian nào trong ngày mình làm việc hiệu quả hơn cả, hay một phương pháp giúp mình tập trung tốt nhất là gì, hay không gian nào giúp mình duy trì tập trung lâu nhất. Hãy tìm ra chúng, để bản thân trải nghiệm mỗi ngày. Như vậy sẽ giúp chúng mình tối đa hóa khả năng tập trung, làm việc hiệu quả.

Chẳng hạn, bản thân mình tập trung nhất vào buổi sáng, nên mỗi tối trước khi đi ngủ, mình luôn chuẩn bị sẵn list việc cần làm cho ngày hôm sau. Do vậy nên sáng ra, mình chỉ cần ngồi vào bàn là biết được cần làm việc gì ngay. Mình làm việc tốt trong môi trường xanh, có cây cỏ hoa lá nên mình thường đặt chậu cây và một hồ nuôi cá nhỏ bên góc bàn. Chuẩn bị sẵn một bình nước trái cây rồi mở nhạc không lời nhẹ nhàng, để điện thoại ở chế độ không làm phiền, tắt thông báo facebook, zalo và mở app Mindfulness Bell (Là app cài sẵn tiếng chuông với chu kì thời gian tùy chọn) mình đặt mỗi 25 phút chuông reo 1 lần để thư giãn 5 phút theo phương pháp Pomodoro.

Các bạn có thể thử nhiều chu kì thời gian khác nhau để xem xét chọn ra chu kì nào phù hợp với bản thân mình nhất. Tuy nhiên khi các bạn làm vậy, hãy tập đánh giá khách quan về thành tựu công việc của mình. Nếu bạn rất thích một chu kì nào đó, nhưng bản thân làm đi làm lại màkết quả không thay đổi thì mình phải tạm ngừng nó để chuyển sang một chu trình khác, một thói quen khác để có một kết quả khác.

Ví dụ: Trường hợp của học sinh mình, em ấy bảo bản thân thường học bài tốt vào lúc nửa đêm, nên em thường thức khuya để làm bài, còn ban ngày thì cứ lông nhông chơi đùa, “lừ đừ” vì thiếu giấc và không mảy may nghĩ gì đến bài vở. Ai khuyên can gì cũng không nghe. Thế nhưng, kết quả đưa ra lại không thuyết phục, vì em vẫn không làm kịp bài tập, sáng hôm sau dậy sớm không nổi nên thường muộn học. Vì vậy, khi xây dựng một chu trình tập trung cho bản thân, chúng mình cần có góc nhìn khách quan và lắng nghe thêm ý kiến, nhận xét từ những người xung quanh để có thể có một chu trình khoa học nhất, phù hợp nhất với chính mình.

Viết ra những suy nghĩ làm mình sao nhãng trong thời gian làm việc

Chúng mình thường mang tâm lí sẵn sàng, khí thế quyết liệt khi bắt đầu ngồi vào bàn làm việc. Nhưng chưa đến 5 phút tập trung, đầu óc mình lại có những suy nghĩ sao nhãng như: hôm nay ăn gì nhỉ? Hình như mình quên đăng trạng thái facebook, lâu rồi mình chưa shopping, nên hẹn bạn bè đi chơi chứ…Và vô vàn các vấn đề khác cứ không ngừng nhảy ra trong đầu. Để có thể ghìm chúng lại, không có cách gì khác hơn là mình hãy viết chúng ra sổ tay hoặc tờ giấy nhắn. Ghi xuống nhanh chóng và quay lại làm việc ngay. Cách này sẽ giúp mình giải phóng tư tưởng, đảm bảo công việc và bên cạnh đó mình cũng đã ghi lại những luồng suy nghĩ quan trọng.

Giảm thiểu những gián đoạn trong quá trình làm việc

Trái ngược với tập trung là sao nhãng, và sự gián đoạn là một trong những con quái thú chi phối sự tập trung. Chính vì thế, để tập trung tốt nhất mình cần hạn chế tối đa những thứ gây ra sự gián đoạn trong quá trình làm việc.

Những cách như: đóng cửa phòng, đeo tai nghe … là một vài mẹo nhỏ để giúp bạn “cách âm” với môi trường xung quanh. Và nếu còn các tác nhân khác nữa thì bạn cần phải tìm ra cách xử lí để đảm bảo được rằng chúng không còn gây “chia rẽ” sự tập trung của mình.

Ngưng làm việc đa nhiệm (Multi – task)

Các bạn thường nghĩ rằng, nếu mình làm nhiều việc trong cùng lúc thì sẽ tiết kiệm được thời gian. Ví dụ, vừa xem youtube, vừa soạn thảo kế hoạch, vừa suy nghĩ ý tưởng công việc, vừa buôn chuyện với bạn kế bên … thì sẽ xong được các việc này cùng lúc, nhưng thực tế thì ngược lại. Bởi đa nhiệm là rào cản cho những việc cần tập trung. Với các đầu việc cần ít tập trung, bạn có thể làm đa nhiệm trong một giới hạn cho phép nào đó. Còn cách tốt nhất để làm việc hiệu quả là chúng mình cần tập trung chuyên tâm làm một việc ở một thời điểm mà thôi.

Thiền để cải thiện kỹ năng tập trung

Thiền sẽ giúp bạn luyện tập khả năng bình tĩnh, kiên trì và tập trung nhiều hơn. Nếu các bạn không thoải mái với việc thiền ngồi một chỗ, các bạn có thể dùng các công cụ hỗ trợ (Guided Meditation App) như Monos, Balance… Các bạn sẽ được hướng dẫn những kỹ thuật để bản thân mình quay trở lại với hơi thở, đưa “tâm về với thân ở chính thời điểm hiện tại”.

Đồng thời, bạn cũng đừng quên rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại. Các bạn phải luyện tập đều đặn mỗi ngày. Để đi được đến cuối cùng, chúng mình phải có tính kiên nhẫn, đó là điều kiện thiết yếu. Trong thời đại công nghệ 4.0, khi những thông tin được đưa đến cho các bạn quá nhanh và thụ động, các bạn bị ảnh hưởng bởi những nội dung nhanh như Tiktok… thì các bạn đang tự hủy hoại đi tính kiên nhẫn của chính mình. Bạn sẽ tua nhanh những video bài học dài 10 phút vì chán nản. Điều này khiến bạn càng ngày càng mất tập trung và càng thiếu kiên nhẫn hơn. Vì bạn đang luyện cho cơ thể của chính mình thói quen lười biếng, luyện cho não bộ của chình mình tư duy gấp gáp, nhanh chóng. Thay vào đó, bạn hãy biết cách xen kẽ xem Tiktok với những bộ phim về thế giới tự nhiên hoặc giáo dục dài hơn để cân bằng lại khả năng nhẫn nại của bản thân.

Kiên nhẫn với người khác và kiên nhẫn với chính mình để có một cuộc sống tốt đẹp, năng suất và hiệu quả thì tại sao không?

Chúc các bạn sẽ rèn luyện được kỹ năng tập trung thật tốt – chinh phục những công việc khó nhằn trong cuộc sống vốn dĩ phức tạp và không ngừng thay đổi này.