Bài tập về nhà – Tầm quan trọng và cách rèn con tự giác hoàn thành

Chuyên mục

Bài tập về nhà là nhiệm vụ được giao ngoài giờ học, yêu cầu học sinh cần thực hiện. Tại sao lại cần có bài tập về nhà khi mà học sinh đã được học và làm ở lớp? Bài tập về nhà có tầm quan trọng như thế nào? Có những cách nào để con trẻ chủ động làm bài tập về nhà? Trong bài viết này, chúng ta cùng đi tìm lời giải đáp cho những nội dung trên.

Tại sao cần làm bài tập về nhà?

Nhà tâm lí học người Đức Herman Ebbinghaus – người tiên phong trong nghiên cứu thực nghiệm về trí nhớ đã trở nên nổi tiếng nhờ sự khám phá ra Đường cong quên lãng (The forgetting curve). Theo nghiên cứu của ông, sau khi tiếp nhận kiến thức, mức độ ghi nhớ của con người sẽ giảm dần theo thời gian. Sau một ngày, khoảng 70% kiến thức học được sẽ bị quên lãng. Tiếp sau đó, kiến thức tiếp tục bị quên dần dần và lượng kiến thức còn lại không đủ để chúng ta giải quyết các vấn đề, hơn thế nữa thời gian để học lại kiến thức này tương đương với thời gian học một kiến thức hoàn toàn mới.

Tại sao cần làm bài tập về nhà?

Điều này có nghĩa là, chúng ta cần thường xuyên ôn luyện lại các nội dung học được, như vậy mới đảm bảo khả năng ghi nhớ (hiệu ứng giãn cách – theo Herman Ebbinghause), mỗi lần ôn tập đường cong sẽ được đẩy lên và lượng kiến thức được giữ lại theo đó cũng tăng lên.

Ngoài ra, việc là bài tập về nhà giúp trẻ rèn luyện tính tự giác, có trách nhiệm với chính việc học của bản thân. Về lâu dài, trẻ hình thành kỹ năng tự học, sống tích cực, chuẩn mực và không lơ là nghĩa vụ của mình.

Phân loại bài tập về nhà.

Thông thường, sẽ có hai trường hợp:

  • Thứ nhất: bài tập là những dạng bài tương tự đã được học phương pháp tại lớp. Với trường hợp này, học sinh cần hiểu rõ nội dung lý thuyết, nắm được cách giải từng dạng bài và xem lại các bài tập đã thực hiện trên lớp. Sau khi đã ghi nhớ cách thức làm bài, bé bắt đầu xử lí các bài tập được giao.
  • Thứ hai: bài tập là yêu cầu tìm hiểu nội dung kiến thức mới. Với nhiệm vụ này, học sinh cần đọc nội dung bài mới trong sách giáo khoa, tự hệ thống lại (tóm tắt, sơ đồ tư duy…) các phần vừa tìm hiểu, soạn và trả lời các câu hỏi theo gợi ý. Tham khảo thêm trên internet hoặc các nguồn sách hướng dẫn. Đặc biệt lưu ý nếu phần nội dung mới có liên quan đến bài cũ, học sinh cần tự giác ôn tập lại kiến thức đó nhằm đảm bảo tính xâu chuỗi, liên kết bài học.

Còn một trường hợp khác nữa là bài tập về nhà mang nội dung nâng cao, phần này thường áp dụng cho đối tượng học sinh giỏi nhằm bồi dưỡng và mở rộng thêm tư duy. Muốn làm được những bài tập nâng cao, học sinh cần tự học bổ sung các kiến thức chuyên sâu, rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại và quyết tâm không ngại khó.

Như vậy, qua phân tích trên, có thể thấy rằng chủ động làm bài tập ở nhà giúp bé có thời gian tư duy, suy luận và chuẩn bị chu đáo cho bài học; nếu có phần chưa hiểu bé có thể hỏi bạn học hoặc giáo viên ở lớp. Hoạt động này giúp bé hiểu bài, khắc sâu được kiến thức và không mang tâm lí e sợ giáo viên cũng như môn học đó.

Cần làm gì khi con không chịu làm bài tập về nhà?

Bạn sẽ đánh đòn hay la mắng khi con lười làm bài? Nếu không có cách xử lí thỏa đáng, sẽ khó để các con tâm phục khẩu phục để tự đó có ý thức về hành vi sai trái của mình mà sửa chữa.

Sau đây là một số mẹo nhỏ để các bậc cha mẹ có thể áp dụng.

1. Có nội quy học tập tại nhà.

Thông thường, con không muốn bài tập về nhà xuất phát từ tâm lý kháng cự bản năng, do sự quá tải của não bộ. Trẻ luôn muốn trốn tránh để tìm kiếm thời gian và không gian thoải mái.

Do vậy, ngay từ đầu năm học, chúng ta nên cùng bé xây dựng một số nội quy học tập:

  • Tự giác học bài cũ
  • Làm bài tập về nhà.
  • Nếu gặp vấn đề khó, cần chủ động xin trợ giúp từ gia đình, bạn bè, thầy cô
  • Bài kiểm tra dưới điểm … (tùy mốc mà con tự đề ra) sẽ bị kiểm điểm
  • Bài kiểm tra tốt, sẽ được khen thưởng

2. Có góc học tập “chính chủ”

Chúng ta có thể kiến tạo không gian học tập vui vẻ, như vậy sẽ kích thích trẻ ngồi vào bàn học hơn. Xây dựng một không gian học tập hứng thú cho trẻ không phải việc khó khăn, chỉ cần:

  • Sắp xếp gọn gàng sách vở và dụng cụ học tập
  • Đèn và ánh sáng phù hợp
  • Có cửa sổ thoáng mát
  • Để trẻ tự trang trí góc học tập theo sở thích, nghệ thuật của chính mình

Trải qua thời gian học tập ở trường, khi về nhà bé cần được nghỉ ngơi, thư giãn trước. Phụ huynh nên chia thời gian làm bài tập của con thành các đợt, mỗi đợt kéo dài từ 25-30 phút (Phương pháp quản lí thời gian hiệu quả – Pomodoro). Thời gian giữa các đợt bé có thể giải lao để thoải mái, tránh áp lực.

3. Làm gương cho con

“Con cái là tấm gương phản chiếu bố mẹ của các con”. Bởi trong quá trình trưởng thành, con trẻ có xu hướng bắt chước hành vi của người lớn trong nhà, sự chăm chỉ của bố mẹ sẽ giúp con noi theo và học hỏi. Bố mẹ có thể tạo cho con thói quen tốt như đọc sách, viết nhật kí, buổi tối cuối tuần (cùng nhau quây quần bên mâm cơm gia đình, chia sẻ công việc, học tập trong tuần đó)… Bố mẹ hãy luôn nhớ, những hành động của bạn cũng sẽ ảnh hưởng đến con trẻ chứ không chỉ lời nói.

4. Hỗ trợ con làm bài tập về nhà.

Một nguyên nhân phổ biến khiến con trẻ không làm bài tập về nhà là do con không biết làm. Phụ huynh cần theo dõi quá trình học tập của trẻ, nếu phát sinh vấn đề không ổn, có thể trực tiếp hướng dẫn con hoặc chủ động liên lạc với giáo viên bộ môn đó nhờ quan tâm, hỗ trợ.

Hỗ trợ con làm bài tập về nhà

Cuối cùng, là bố mẹ – bạn cần hiểu rõ năng lực của trẻ để có thể đưa ra yêu cầu, tiêu chuẩn phù hợp. Chúng ta chỉ cần con cố gắng hơn bản thân của chính con ngày hôm qua thôi, chứ không phải lấy chuẩn mực “con nhà người ta” ra để so sánh. Chỉ cần mỗi ngày, con tiến bộ hơn một chút thì tương lai con sẽ tự tin và vững vàng hơn hôm nay.

Hy vọng qua bài viết này, các bố mẹ đã hiểu được tầm quan trọng của bài tập về nhà và cùng phối hợp với giáo viên để giúp các con có thói quen chủ động hoàn thành bài tập về nhà.