Bài học nhân văn từ đoạn phim đạt giải Oscar

Chuyên mục

Elvis Naçi – tác giả đoạn phim Don’t judge! (Đừng phán xét) gửi gắm thông điệp: “Don’t judge anybody! Be kind with people because you don’t know their daily problems”. Tạm dịch là: Đừng phán xét bất kì ai! Hãy tử tế với mọi người, vì bạn không hiểu được những khó khăn họ trải qua mỗi ngày. Đoạn phim đạt giải Oscar chỉ vỏn vẹn trong thời lượng khoảng 4 phút, nhưng đã chuyển tải thành công một bài học đầy tính nhân văn.

Độ “hot” của “Don’t Judge” trên khắp các trang mạng

Đã có một vài trang mạng giật tít: “Đừng phán xét – Bộ phim ngắn đoạt Oscar chắc chắn sẽ lấy đi nước mắt của bạn” , “Một đoạn phim khiến ai xem cũng phải xúc động” … Không chỉ xuất hiện trên các mặt báo, “độ hot” của bộ phim này còn lan tỏa đến mạng xã hội Facebook, diễn đàn và cả blog cá nhân.

Một bộ phim chỉ kéo dài 3 phút 56 giây, được thực hiện trong 30 phút và giành giải Oscar vào năm 2020. Dù cho bất đồng ngôn ngữ, nhưng chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta đã xem qua “Don’t Judge” cũng có thể hiểu được ý nghĩa nhân văn đằng sau đó.

Câu chuyện Thầy – Trò chứa đựng trong phim ngắn: “Đừng phán xét”

Theo dõi phim vài giây đầu, bạn tức giận vì sao Người Thầy không kiên nhẫn tìm hiểu nguyên nhân mà đã vội phạt cậu bé? Tức giận vì sao Người Thầy ấy không dùng một thái độ mềm mỏng, nhẹ nhàng để hỏi thăm em? Có phải ba lần cậu bé bị đánh đòn là ba lần bạn cảm thấy lòng mình ngột ngạt, bức bối?

Đến vài mươi giây sau đó thì bạn rơi vào trạng thái thế nào? Có phải cũng khựng người, xúc động như Người thầy trong phim khi quan sát thấy cậu học trò bé bỏng ấy phải vội vàng đẩy xe lăn giúp một người phụ nữ trước khi đi học, rồi vừa mang cặp sách, vừa quáng quàng chạy vội đến lớp?

Và dù biết là sắp trễ, nhưng khi đã vào bên trong cổng trường, cậu bé ấy vẫn chỉ dám đi từng bước nhẹ nhàng. Vẫn lễ phép gõ cửa lớp. Vẫn kiên nhẫn đợi âm thanh đáp lại của Người Thầy từ bên trong. Vẫn rụt rè từng bước một bước vào, rồi vẫn như một thói quen, ngước nhìn Thầy một cách e sợ và đưa bàn tay ra cho Thầy đánh. Chính giây phút ấy, ngay tại khoảng khắc mà cậu học trò chìa tay của mình ra, Người Thầy mới “giật mình”, ăn năn, … chầm chậm đưa cây thước vào lòng bàn tay của cậu học trò nhỏ. Trước ánh nhìn thảng thốt của cậu bé, Thầy từ từ hạ người xuống, nhẹ dùng đôi bàn tay rộng lớn của mình nâng bàn tay bé nhỏ ấy lên, hôn nhẹ vào và ôm chầm lấy em.

Hình ảnh người thầy trong đoạn phim đạt giải Oscar
Hình ảnh người thầy trong đoạn phim

Tất cả những thay đổi về biểu cảm, cử chỉ, hành động ấy như muốn thay thế lời xin lỗi, lời quý trọng từ tận con tim. Xin lỗi vì đã vội trách phạt con, chút hổ thẹn, cúi mình trước con vì cách sống giàu tình yêu thương, chân thành mà cao cả!

Và … ý nghĩa nhân văn từ một bộ phim ngắn

Mỗi người chúng ta đều có một cuộc sống của riêng mình, nó xứng đáng được yêu thương, tôn trọng, nâng niu. Chuyện xảy ra hôm nay, xin đừng vội than trách, giận hờn tiêu cực. Xin hãy hiểu rằng: mọi chuyện trên đời đều có nguyên nhân sâu xa của nó.

Thầy Cô, quý bậc phụ huynh xin đừng bắt ép các con hứng chịu những trận đòn, những lời la mắng hay những hình thức nghiêm trị khác để thỏa cơn tức, nóng giận của bản thân. Bởi hơn ai hết, chúng ta là những người giáo dục, dạy dỗ các em. Đừng vội phản ứng theo những gì xảy ra trước mắt mình. Bởi cũng như chúng ta, mỗi em đều có câu chuyện (problem) riêng của chính mình; và không phải em nào cũng dễ dàng, thoải mái chia sẻ câu chuyện cuộc sống với người khác.

Dù cho đôi lúc, đó là những điều mình “mắt thấy, tai nghe”; xin đừng vội tin theo để trách móc, oán giận, chê bai hay trừng phạt. Những cảm xúc xấu xí đó sẽ làm chính trái tim, tâm hồn mình có thêm mảng tối, càng làm mình dễ trở nên nông nổi, tầm thường.

Bởi khi chúng ta nhìn, không phải chỉ bằng đôi mắt; khi chúng ta nghe không phải chỉ bằng đôi tai…mà thêm vào đó, nên dùng đến TÂM của chính mình. Và thân phải khỏe, tâm phải an, trí phải sáng thì mới giáo dục được bản thân, sau đó mới tính đến giáo dục người khác.