Giáo dục bằng khuyên nhủ có hiệu quả hay không? Thiệt hơn thế nào?


Thời gian này, trên một số trang báo mạng xuất hiện các bài báo nói về “giáo dục trẻ bằng khuyên nhủ, không phạt”  như afamily, Báo Dân Trí hay thuật ngữ “kỷ luật tích cực” cũng được sử dụng rộng rãi hơn trên Báo Giáo dục. Trong bài viết này, mình trình bày một số quan điểm cá nhân, dưới góc độ của một giáo viên đã có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề và cũng từ khía cạnh là một học sinh, đã từng bị đánh đòn thuở cắp sách đến trường.

Giáo dục bằng khuyên nhủ có hiệu quả hay không? Thiệt hơn thế nào?

Ngày còn bé, mình vẫn còn nhớ mình học lên lớp nào, mẹ cũng gửi gắm cô giáo: “Cháu nó có hư, nhờ cô đánh phạt, cứ phạt đau cho cháu nhớ”. Có lần mình đi học không ngoan, bị cô đánh, mình về giấu luôn, không dám nói mẹ vì sợ bị đánh thêm. Lớn hơn một chút, khi đang học cấp Ba, mình vi phạm nội quy khi chép tài liệu môn học trên bàn, thế là bị phê bình và kiểm điểm. Hồi đó có buồn không? Có trách không? Có chứ, nhưng là buồn chính mình và cũng trách chính mình thôi.

Bởi đó là lỗi sai mà bản thân mình phạm phải, do vậy nên cần xử phạt để cho nhớ. Ngày đó đi học, không thuộc bài, làm bài cẩu thả bị khẽ tay, ăn đòn là chuyện bình thường. Nhưng bây giờ, thầy cô cần “giơ cao đánh khẽ” bởi người Giáo dục cần phải dùng hình thức “kỷ luật tích cực”.

Giáo dục bằng khuyên nhủ, không trách phạt, không đòn roi có hiệu quả không?

Hiện nay, phương pháp giáo dục của nước ta đối với trẻ hầu như là khuyến khích, ngợi khen. Điều này có sai không? Không sai, nhưng còn chuyện kỷ luật thì sao? Giáo dục có thể không áp dụng hình phạt nào mà chỉ dựa vào thành tích, khích lệ là sẽ thành công?

Bạn tin không? Mình thấy không ổn. Trẻ em ngày nay, nói không nghe, mắng không được, đánh đòn không cho.

Chúng ta có thể tiếp thu những phương pháp dạy học hiện đại, nhưng không phải như vậy mà bài trừ cách giáo dục trong quá khứ. Nếu cách cũ là sai lầm, vậy thì ai đã đào tạo ra thế hệ những người con tài hoa, mẫn cán của dải đất hình chữ S này?

Giáo dục cần có thưởng – có phạt

Trẻ em thì chưa phải là người lớn, chúng đang trên hành trình phát triển, uốn nắn để trưởng thành. Các em cũng cần được dạy “phạm lỗi thì phải chịu phạt”. Nếu cả xã hội này đều cổ vũ cho trào lưu “giáo dục khuyên nhủ”, thì không chỉ tương lai của đứa trẻ ấy đáng lo mà tương lai của tất cả chúng ta cũng đáng ngại. Con trẻ mắc lỗi, phụ huynh thương xót, nhượng bộ, giáo viên e dè học sinh của mình. Vậy rồi cả thảy sẽ đi về đâu?

Ở vị trí là một phụ huynh, mình vẫn mong con em mình nếu không nên người, cứ đánh đòn vài roi, phạt nó vài lần. Dĩ nhiên là không phải đánh bạo lực, “liên hoàn tát 232 phát”, hay “uống nước giẻ lau bảng”, … những hình thức xử lí phi giáo dục này chúng ta không bàn đến. Bộ Giáo dục có nên đưa ra quy định cụ thể về hình phạt dành cho học sinh? Đồng ý rằng chúng ta phải khen ngợi  để trẻ có niềm vui và động lực nhưng nếu làm quá, lại hóa thành tại hại.

Thử giả định rằng trẻ được giáo dục trong môi trường lý tưởng: đầy ắp lời khen bay bổng, vậy rồi khi bước ra xã hội các em sẽ phải đối mặt với sự tàn khốc, bất công ngoài kia như thế nào?

Thưởng đúng người – Phạt đúng tội

Chúng ta không cổ xúy cho câu “thương cho roi cho vọt” nhưng cũng nên công tâm mà xem xét rằng đánh đòn ở đây không hoàn toàn là sai. Đánh để đau, để nhớ mà không phạm lại lỗi là một cách phạt hợp lí.

Ta nhận định rõ thưởng phạt phân minh để làm gì? Nếu con làm đúng trách nhiệm, bổn phận của mình thì đó là nhiệm vụ của con, tại sao chúng ta lại tuyên dương, khích lệ? Từ ngày nào, việc đi học phải được ra điều kiện bằng tiền? Học thuộc bài trước khi đến lớp lại phải cần trả công? Chúng ta cần phân biệt rõ tình huống nào là việc con phải hoàn thành? Là nghĩa vụ của con? Và cũng nhận định rõ khi nào nên khen ngợi trẻ? Với mình, nếu bé không ngoan, không thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, thì bé sẽ bị phạt. Khi bé làm xuất sắc một việc gì đó hoặc thực sự tốt hơn việc nào đó thì bé sẽ được khen thưởng.

Giáo dục bằng khuyên nhủ có hiệu quả hay không? Thiệt hơn thế nào?

Còn những hình phạt ngày xưa thì sao?

Ngày trước, ba mình có tiếng đánh học trò (mình nhấn mình là “ngày trước” – cách đây mười mấy năm chứ không phải hiện tại). Các anh chị học lên đại học rồi mà mỗi lần đến thăm nhà vẫn bảo còn sợ cây thước của ba nhưng cũng bảo rằng nhớ nó mà hồi ấy tối nào cũng thức học bài, làm bài tập, không dám thiếu sót thứ gì… dần thành thói quen, sau này ngày nào không làm toán thì lại thấy thiếu thiếu. Bởi vậy nên những anh chị ấy đều thuận lợi học lên cấp ba rồi Đại học, Cao đẳng có cả…

Mình bây giờ rất ngưỡng mộ ba, ba đã từng đánh, từng “chửi” các anh chị ấy vậy mà năm nào học trò cũ cũng tề tựu đông đủ về thăm ba ngày 20/11 hay ngày mùng 3 Tết.

Ở ngay cửa phòng học nhà mình lúc trước thường chất đống vỏ sầu riêng đã phơi khô. Ba bảo “đứa nào không thuộc bài thì ra đó quỳ thử cho biết mùi đời”. Nhưng mà, có đứa nào phải bị phạt đâu? Chủ yếu là nếu khảo công thức không thuộc thì mỗi đứa được ra vườn chọn ôm một cây cau mà học bài cho đến thuộc thì mới được vào lớp.

Trong công việc, mình luôn nguyên tắc và vững vàng. Tốt khen, xấu phạt. Không làm bài tập về nhà phạt làm bù, sai lỗi do cẩu thả phạt làm lại, không thuộc bài thì cho ngồi lại học thêm 30 phút, sai bởi các tội “tầm xàm ba láp” thì mình sẽ hỏi trực tiếp học trò “lỗi này có đáng đánh không?” “Cần được đánh mấy thước?”. Bé tự cho con số. Mình đánh thật không? Có lần thật, có lần cho nợ. Bởi vấn đề không phải mình muốn bạo lực, mà chỉ cần biết đúng thời điểm để dừng. Rồi, lỡ lần sau vẫn mắc lỗi đó thì sao? À, lúc này thì đánh. Bởi “ta không nên vấp cùng một cục đá mà té đau nhiều lần”. Mỗi lần học trò mình báo điểm kiểm tra, báo 9 điểm thì mình sẽ hỏi “ủa rồi còn 1 điểm kia đi đâu rồi?” Hỏi ra được nguyên do thì mình quay sang nhắc lại hoặc bổ sung kiến thức liên quan đến 1 điểm rơi rớt ấy. Sau đó, cuối cùng cũng không quên khen em đã làm bài rất tốt, cố gắng duy trì phong độ và phát huy cho những bài kiểm tra sau.

Có thật sự “mỗi ngày đi học là một ngày vui”?

Chúng mình đều hiểu, nếu tâm lí vui vẻ, thoải mái thì sẽ hứng khởi để học tập, tiếp thu kiến thức. Nhưng có hành trình nào lại chỉ toàn những chuỗi ngày nhẹ nhàng vui tươi? Việc học không đơn giản chỉ có sự vui vẻ, và lẽ hiển nhiên nó cũng không chỉ là một con đường trải toàn hoa hồng. Đa số chúng mình đều biết học là gian nan, khó nhọc. Nhưng, chúng ta học là để vì một mục đích nào đó, bởi ta ý thức được tầm quan trọng của việc học đối với cuộc đời, nên dù thế nào cũng không thể không học.

Thành công là một điều hào nhoáng, nên chăng, mình chỉ nên dạy trẻ lớn lên như một người bình thường và sống tử tế? Chúng ta luôn thương con, yêu con, nhưng lại không thể lo cho con cả đời, vậy nên con đường duy nhất là cố gắng để con khỏe mạnh cả về thể chất và học vấn để có thể tự tin bước đi trên con đường tương lai của chính mình.

 

Tác giả Bài viết: Phan Nữ Nhật Hạnh

Cô Phan Nữ Nhật Hạnh

Cử nhân Sư Phạm Toán
Thạc sĩ Lí luận và Phương Pháp giảng dạy

Đại học Sư Phạm TP. HCM

Trường THCS Võ Văn Tần

Giáo viên bộ môn Toán

Trường Quốc tế TIS

Giáo viên bộ môn Toán

Ứng dụng học tập KIẾN GURU

Giáo viên bộ môn Toán

Thông tin Liên hệ

Địa chỉ:
Số 65/7, Đường Tân Thới Nhất 5,
Phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TP. HCM
  XEM BẢN ĐỒ
Liên hệ:
   0899331295 (Di động hoặc Zalo)
  [email protected]
TikTok Lớp Toán Cô Hạnh